Cử tri TP.HCM, Quảng Ninh, Phú Yên… kiến nghị xem xét giảm hoặc hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế khi lương cơ sở tăng lên gây khó khăn cho người dân.
Cử tri kiến nghị giảm mức đóng bảo hiểm y tế
Ngày 1-10, Bộ Y tế đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM, Quảng Ninh, Phú Yên… gửi tới sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Theo đó cử tri tại các tỉnh, thành kiến nghị Bộ Y tế có nhiều chính sách giảm chi phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, không đủ tiền chữa bệnh nhưng không phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Cử tri cho rằng lương cơ sở tăng 30% từ ngày 1-7-2024 góp phần nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, người lao động.
Trong đó mức đóng BHYT tăng so với trước ngày 1-7-2024, từ 972.000 đồng/năm lên 1.263.600 đồng theo lương cơ sở mới.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay theo Luật BHYT, mức đóng BHYT hằng tháng tối đa sẽ bằng 6% mức tiền lương hoặc tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở.
Theo quy định hiện nay, mức đóng BHYT là 4,5%.
Dựa trên phạm vi, quyền lợi của người tham gia BHYT, Quốc hội và Chính phủ đã quy định mức đóng BHYT được quy định dựa trên điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và khả năng đóng góp của nhà nước, doanh nghiệp, người lao động, người dân.
Để khuyến khích và hỗ trợ người dân tham gia BHYT, Luật BHYT đã quy định các mức đóng và hỗ trợ đóng cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, hộ nông, lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình.
Đối với nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình, người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở.
Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức của người thứ nhất. Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức của người thứ nhất.
Với phạm vi quyền lợi BHYT được hưởng tương đối đầy đủ, mức đóng BHYT hiện tại được đánh giá là tương đối thấp so với các nước có điều kiện phát triển kinh tế – xã hội tương đồng.
Vì vậy, Bộ Y tế mong cử tri thấu hiểu và ủng hộ chính sách BHYT, tích cực tham gia bảo hiểm y tế để đảm bảo tài chính khi ốm đau, bệnh tật.
Vì sao giá thuốc tại bệnh viện, nhà thuốc chênh lệch nhau?
Theo cử tri TP.HCM, hiện nay có tình trạng giá thuốc tại các cơ sở y tế, phòng khám, nhà thuốc có giá chênh lệch, không thống nhất.
Nhiều ý kiến cử tri cho rằng cần có những quy định cụ thể nhằm siết chặt quản lý giá thuốc để bảo đảm công khai, minh bạch khi lưu hành thuốc trên thị trường.
Đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng vì thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt (liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người).
Bộ Y tế cho biết thuốc là hàng hóa đặc biệt liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người. Do đó, trong nhiều năm qua, giá thuốc được kiểm soát hết sức chặt chẽ theo các quy định tại Luật Giá, Luật Dược.
Tại cơ sở y tế công lập, phải kê khai giá bán buôn thuốc dự kiến trước khi lưu hành, đấu thầu mua thuốc (nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu hợp pháp…).
Tại cơ sở y tế tư nhân, cơ sở bán lẻ thuốc, phải kê khai giá bán buôn thuốc dự kiến trước khi lưu hành, niêm yết giá và bán không cao hơn giá niêm yết.
Ngoài ra, thông tin giá thuốc kê khai, giá thuốc trúng thầu tại các cơ sở y tế được Bộ Y tế công bố công khai trên trang thông tin điện tử. Người dân có đầy đủ thông tin để đối chiếu, so sánh và lựa chọn các thuốc với giá cả hợp lý.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, giá thuốc được kiểm soát, về cơ bản không có sự chênh lệch lớn giá thuốc của cùng một thuốc tại các cơ sở y tế.
Đồng thời với các biện pháp quản lý giá thuốc nêu trên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Để tăng cường hơn nữa việc kiểm soát giá thuốc, Bộ Y tế đã đề xuất bổ sung biện pháp quản lý giá thuốc tại dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược năm 2016 (đang trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV).
Cụ thể, công bố giá bán buôn thuốc dự kiến; kiến nghị mức giá bán buôn dự kiến đã công bố đối với thuốc kê đơn; kê khai giá theo pháp luật về giá đối với thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu.
Với biện pháp này, Bộ Y tế cho rằng giá thuốc được kiểm soát chặt chẽ, tập trung vào các nhóm thuốc cần quản lý – giá thuốc không có sự chênh lệch giữa các khu vực, bảo đảm quyền và lợi ích của người dân và tổ chức kinh doanh thuốc.